Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội: Quyết sách chiến lược hợp lòng dân

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội quyết nghị thông qua chủ trương đầu tư với mục tiêu xây dựng vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ngay từ những ngày đầu triển khai, dự án đã nhận được sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ rất cao của nhân dân Thủ đô.

Phối cảnh một đoạn dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Với chiều dài toàn tuyến 112,8 km đi qua 3 tỉnh, thành phố, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.341 ha, tổng mức đầu tư là 85.813 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Điểm đầu của đường Vành đai 4 nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Mặt cắt ngang hoàn thiện rộng từ 90 đến 135m, trong đó, đoạn không có đường sắt song hành rộng 90m, đoạn thông thường có đường sắt song hành rộng 120m, đoạn đi ngoài đê sông Đáy rộng 135m.

Mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông của Vùng Thủ đô được thiết kế với bộ khung chính 7 tuyến cao tốc mà Hà Nội là hạt nhân trung tâm gồm: Hà Nội - Lào Cai; Hòa Lạc - Hòa Bình; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Hải Phòng; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Đại Lộ Thăng Long; Nội Bài - Bắc Ninh. 7 tuyến cao tốc này tạo nên 4 hành lang kinh tế rất quan trọng khu vực phía Bắc là: Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội - Thái Nguyên, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của Hà Nội nói riêng và Vùng Thủ đô cũng như khu vực Bắc Bộ nói chung. Điều đặc biệt, cả 7 tuyến huyết mạch chính này đều được kết nối xuyên suốt bởi đường Vành đai 4. Vành đai 4 là tuyến xương sống chính của mạng lưới giao thông Vùng Thủ đô, mà trong bối cảnh chưa được đầu tư xây dựng, toàn bộ áp lực đang dồn lên Vành đai 3 - tuyến đường vốn chỉ là vành đai thuộc đô thị trung tâm.

Theo các chuyên gia, việc đầu tư xây dựng Vành đai 4 sẽ giúp mở rộng không gian phát triển, phân bổ áp lực đô thị cho Hà Nội, góp phần hình thành nên chuỗi đô thị mới rất tiềm năng. Các đô thị vệ tinh cũng như nhiều khu đô thị, công nghiệp dọc tuyến sẽ phát triển rất nhanh khi dự án Vành đai 4 được triển khai. Khi đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô hình thành, hàng loạt điểm ùn tắc giao thông của Hà Nội sẽ được giải quyết như cửa ngõ phía Nam, cầu Thanh Trì, Quốc lộ 2, Quốc lộ 5… Đặc biệt, sân bay Nội Bài - cửa ngõ hàng không quốc tế của cả Vùng Thủ đô sẽ được kết nối trực tiếp đến các tỉnh, thành lân cận, giảm thiểu chi phí logistic cho doanh nghiệp vận tải, giảm áp lực giao thông cho các cửa ngõ Hà Nội, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh không chỉ của thành phố Hà Nội mà còn của các tỉnh, thành phố liên quan trọng Vùng Thủ đô và cả nước nói chung.

Việc đầu tư hoàn thành dự án đường Vành đai 4 là hết sức cần thiết và cấp bách, là động lực để thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội. Tuyến đường sẽ góp phần kết nối nhiều khu, cụm công nghiệp, khu đô thị ở các tỉnh, thành phố trong vùng, giao thương trong nội bộ Vùng Thủ đô trở nên dễ dàng. Từ đây, một hành lang kinh tế rộng khắp sẽ mở ra, lấp đầy khoảng trống về địa lý, hình thành chuỗi liên kết kinh tế, gắn bó chặt chẽ từ vùng núi đến đồng bằng.

Từ khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, 3 tỉnh, thành phố liên quan đã xây dựng kế hoạch chung và kế hoạch chi tiết của từng địa phương làm cơ sở thực hiện. Các tỉnh, thành phố đã nỗ lực rút ngắn thời gian triển khai từng phần việc; chủ động, sáng tạo cách thực hiện, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tất cả vì tiến độ chung của dự án, bảo đảm không để xảy ra tiêu cực.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trải dài 58,2km, hơn nửa chiều dài toàn tuyến, đi qua 7 quận huyện gồm: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông. Tổng diện tích đất phải thu hồi là 746,7 ha với 1.006 hộ phải bố trí tái định cư và hơn 15.580 ngôi mộ phải di dời. Khối lượng công việc của toàn dự án nói chung và của Hà Nội nói riêng là rất lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn. Nhiều cán bộ cơ sở của Hà Nội đã “đi từng ngõ, vào từng nhà", trực tiếp tới từng hộ gia đình có đất nằm trong dự án đường Vành đai 4 để tuyên truyền, vận động, phổ biến chủ trương của Trung ương, Thành phố về giải phóng mặt bằng. Đa phần người dân đồng thuận và ủng hộ, nhiều hộ dân chưa nhận tiền đền bù vẫn tự nguyện di chuyển mồ mả để bàn giao mặt bằng. Công tác rà soát, kiểm đếm, lập hồ sơ quy chủ, đo đạc bồi thường dự án được thực hiện đúng quy trình, công khai, minh bạch, giúp người dân hiểu, đồng thuận, chủ động bàn giao mặt bằng đúng tiến độ. Theo kế hoạch, tháng 6 năm 2023 bàn giao được khoảng 70% mặt bằng sạch và trước ngày 31/12/2023 bàn giao 100%.

Những vấn đề khó khăn đều được Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội chỉ đạo rốt ráo. Đối với Hà Nội, Thành phố yêu cầu xử lý, giải quyết các hồ sơ, văn bản liên quan tới dự án phải trong thời gian 24 đến 48 giờ; khi phát hành văn bản gửi các cơ quan, đơn vị liên quan có đóng dấu hỏa tốc. Để giải quyết khó khăn về vận chuyển vật liệu đến nơi thi công dự án, Ban Chỉ đạo đã kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng địa bàn có thể cung cấp vật liệu cho dự án được áp dụng cơ chế đặc thù, bảo đảm nguyên tắc ưu tiên sử dụng các mỏ gần nhất, dễ khai thác nhất và có giá thành rẻ nhất. Đến nay, các đơn vị liên quan của Hà Nội đang khẩn trương tổ chức thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình, tổ chức chọn nhà thầu, quyết tâm khởi công dự án đường Vành đai 4 trước ngày 30/6/2023 theo yêu cầu của Chính phủ.

Vai trò, tiềm năng của đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô với sự phát triển của Hà Nội nói riêng, Vùng Thủ đô và cả nước nói chung là vô cùng to lớn, thể hiện tầm nhìn và quyết sách chiến lược của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; thể hiện trách nhiệm “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước" của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô như tinh thần Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Con đường sớm được hoàn thành sẽ là thành quả của ý Đảng lòng dân, là kết tinh của trí tuệ và nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, là tiền đề vững chắc cho các thế hệ mai sau vì một Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Viết bình luận

Xem thêm tin tức