Rất nhiều người thắc mắc rằng bản thân (hay người thân trong gia đình) bị dị ứng hoặc có bệnh nền, huyết áp, tiểu đường... thì có được tiêm vắc xin Covid-19 hay không?
Câu hỏi: Rất nhiều người thắc mắc rằng bản thân (hay người thân trong gia đình) bị dị ứng hoặc có bệnh nền, huyết áp, tiểu đường... thì có được tiêm vắc xin Covid-19 hay không?
Trả lời:
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cho biết những người có bệnh nền mãn tính nặng thuộc nhóm thận trọng khi tiêm. Bác sĩ sẽ hỏi tiền sử, khám kỹ để đưa ra chỉ định.
Trường hợp bạn đọc ung thư tuyến giáp đã ổn định hỏi có nên tiêm hay không, PGS Cơ khuyến cáo nên tiêm, nhất là những người đã có tiền sử ung thư sau điều trị ổn định càng nên tiêm.
Một trường hợp khác là gia đình của bạn đọc từ đời ông bị hen phế quản, nay anh trai và cháu trai cũng bị hen phế quản, bà Nguyễn Lê Nga, BS Chuyên khoa I, Giám đốc Y khoa vùng hệ thống tiêm chủng VNVC trả lời: Hen phế quản không phải là trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin Covid-19. Tuy nhiên nếu là hen phế quản cấp thì bạn đọc sẽ tạm hoãn tiêm chủng. Bạn đọc cũng cần thông báo cho bác sĩ về tiền sử gia đình để được tư vấn cụ thể hơn.
Nhiều người đặt ra câu hỏi dị ứng nặng với côn trùng, dị ứng đậu phộng, dị ứng cua biển, dị ứng thuốc nhuộm tóc, dị ứng nhộng tằm, dị ứng thời tiết... có được tiêm vắc xin hay không?
PGS.TS Đào Xuân Cơ khuyến cáo: Những người có cơ địa dị ứng, đặc biệt những người từng có biểu hiện phản vệ với thuốc, các chất khác... cần phải được khám sàng lọc kỹ trước khi tiêm.
Trường hợp một bạn đọc hỏi bị dị ứng với tất cả loại thuốc nhuộm tóc, mỗi lần dị ứng nổi hạch rất nhiều ở vùng đầu liệu có được tiêm vắc xin, BS Nguyễn Lê Nga cho biết với tiền sử dị ứng này, bạn hiện nay không đủ điều kiện để tiêm phòng vắc xin Covid 19 AstraZeneca.
Ngoài ra, rất nhiều bạn đọc hỏi có bố mẹ trên 65 tuổi, có bệnh nền liệu có thể tiêm phòng? PGS Cơ cho biết, những người trên 65 tuổi là nhóm cần thận trọng khi tiêm. Nếu đủ điều kiện vẫn hoàn toàn được tiêm ngừa.
Bộ Y tế đã đưa ra hướng dẫn tiêm phòng vắc xin Covid-19, phân loại người đi tiêm phòng thành 4 nhóm: Người đủ điều kiện, người cần thận trọng, đối tượng phải trì hoãn và nhóm chống chỉ định tiêm vắc xin Covid-19.
Người đủ điều kiện tiêm:
- Người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo, hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
- Người không quá mẫn cảm với hoạt chất hoặc tá dược trong thành phần của vắc xin.
- Người không thuộc 3 nhóm còn lại.
Người cần thận trọng:
Những người thuộc nhóm cần thận trọng khi tiêm chủng có thể được tiêm tại tất cả các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, không bắt buộc tiêm tại các bệnh viện, cơ sở điều trị.
- Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.
- Người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định.
- Người mất tri giác, năng lực hành vi.
- Người trên 65 tuổi.
- Người có tiền sử giảm tiểu cầu hay rối loạn đông máu.
- Người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường về mạch, huyết áp, nhịp thở.
Người phải trì hoãn tiêm:
- Người đang mắc bệnh cấp tính hoặc mãn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được.
- Người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù...
- Trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao hoặc điều trị hóa trị, xạ trị.
- Bệnh nhân từng mắc Covid-19 trong 6 tháng.
- Phụ nữ mang thai và đang nuôi con bằng sữa mẹ.
Người không được tiêm:
- Người có tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào.
- Người chống chỉ định theo công bố của nhà sản xuất.
Viết bình luận