Đánh giá chung
Hà Nội với quy mô Thành phố hơn 10 triệu dân, số lượng đơn vị hành chính lớn (30 UBND quận, huyện, thị xã; 579 xã, phường, thị trấn), việc triển khai CHUYỂN ĐỔI SỐ trên địa bàn rộng, dân số lớn sẽ có nhiều khó khăn hơn so với các tỉnh/TP khác. Tuy nhiên, với sự quyết liệt chỉ đạo của các cấp lãnh đạo từ Thành ủy, UBND Thành phố và sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, đã có nhiều chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động trong công tác chuyển đổi số tại các cấp ủy, chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân Thủ đô. Thể hiện rõ ở một số kết quả nổi bật như:
- Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đào tạo, bồi dưỡng được tích cực triển khai trên nhiều phương diện và nhiều hình thức đa dạng (Cổng Thông tin điện tử Hà Nội, Cổng/trang thông tin điện tử các cơ quan nhà nước, mạng xã hội: zalo, facebook...). Các hoạt động, sự kiện được Thành phố tổ chức triển khai được người dân, doanh nghiệp ghi nhận với quy mô, phạm vi rộng: Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023; Sự kiện phát động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Thành phố trong các lĩnh vực: an sinh xã hội, y tế, giáo dục, công thương,...
- Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước đã ban hành Nghị quyết quy định về mức phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (Mức thu bằng “không” áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ thực hiện các dịch vụ công theo hình thức trực tuyến (Nghị quyết số 07/2023/NQ-HĐND ngày 04/7/2023).
- Hạ tầng số của Hà Nội đã được triển khai đồng bộ tới cơ quan nhà nước 3 cấp của Thành phố (UBND Thành phố, các Sở, ban, ngành, 30 UBND quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn) và tiếp tục duy trì bảo đảm phục vụ hoạt động chỉ đạo điều hành của Thành phố và hoạt động công vụ, hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, Thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp viễn thông quản lý, duy trì, triển khai hạ ngầm các đường dây cáp viễn thông tại các tuyến phố trên địa bàn Thành phố và thử nghiệm mạng 5G,... đảm bảo an toàn thông tin liên lạc trên địa bàn Thành phố.
Thành phố Hà Nội đã đưa vào vận hành các hệ thống thông tin quan trọng, cốt lõi của Thành phố nhằm cung cấp số liệu, thông tin phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Thành phố đến 03 cấp trực thuộc Thành phố đảm bảo theo hướng đồng bộ, tập trung, thống nhất, liên thông, tích hợp với các hệ thống của Trung ương (Hệ thống quản lý văn bản và điều hành Thành phố; Hệ thống thông tin báo cáo Thành phố; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố,...).
Chữ ký số được triển khai đồng bộ trên các hệ thống thông tin phục vụ xử lý công việc trên môi trường mạng và dịch vụ công trực tuyến, với 13.285 chữ ký số chuyên dùng cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố; hơn 41 nghìn chữ ký số miễn phí cho công dân Hà Nội để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch điện tử thực hiện.
Kết quả chuyển đổi số của Hà Nội đã bước đầu được ghi nhận, với chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) năm 2022 (do Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá năm 2023) tăng 16 bậc so với năm 2021. Theo Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT năm 2022 (Báo cáo Vietnam ICT Index) được công bố vào tháng 10/2023, Hà Nội xếp thứ nhất Bảng xếp hạng chung về chỉ số công nghiệp CNTT. Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam thì Hà Nội tiếp tục đứng thứ 2 trong 7 năm liên tiếp về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam.
Kết quả cụ thể
1. Về nâng cao nhận thức
Năm 2023, ngay sau khi Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2023 của Thành ủy Hà Nội về CHUYỂN ĐỔI SỐ, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội Thành phố đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập, phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với tình hình thực tiễn tại cơ quan, đơn vị.
Hưởng ứng Ngày CHUYỂN ĐỔI SỐ quốc gia 10/10, thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 238/KH-UBND ngày 25/9/2023 tổ chức triển khai 10 hoạt động, sự kiến về chuyển đổi số, trong đó đặc biệt, Thành phố đã tổ chức thành công Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023 với chủ đề “Khai thác dữ liệu, xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững” trong 02 ngày 29- 30/11/2023, với sự tham gia của trên 2.000 lượt đại biểu trong nước tới từ 15 Sở, ngành, 18 tỉnh/thành phố, doanh nghiệp công nghệ, đơn vị ứng dụng, các cơ quan báo chí truyền thông và đại biểu từ 11 quốc gia, nền kinh tế trong khu vực.
Công tác tuyên truyền về CHUYỂN ĐỔI SỐ: Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 01/02/2023 về tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội năm 2023, trong đó có nội dung tuyên truyền về chính quyền số, chính quyền điện tử, công tác CHUYỂN ĐỔI SỐ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Việc triển khai tuyên truyền về CHUYỂN ĐỔI SỐ được cơ quan chuyên môn ban hành các văn bản và cung cấp thông tin qua Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Sở, email công vụ, mạng xã hội: zalo, facebook... hướng dẫn các cơ quan báo chí thành phố Hà Nội, các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương phối hợp và chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở, Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội tuyên truyền về CHUYỂN ĐỔI SỐ trên địa bàn Thành phố. Hoàn thành xây dựng nội dung, biên tập và chuyển 03 bài tuyên truyền sang phát thanh bằng giọng đọc AI tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh của 579 xã, phường, thị trấn.
2. Về hoàn thiện chính sách, quy định cho CHUYỂN ĐỔI SỐ
Thực hiện Kế hoạch hành động của Ủy ban quốc gia về CHUYỂN ĐỔI SỐ năm 2023, hướng dẫn của Bộ, ngành liên quan và chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND Thành phố đã ban hành các văn bản:
Kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số Thành phố và các Tổ giúp việc chuyên đề; ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ thành viên Ban chỉ đạo đảm bảo công tác chỉ đạo thống nhất, tổng thể, thể hiện rõ trách nhiệm của từng ngành.
Kế hoạch tổng thể chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành trong năm, tích hợp nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ của Thành phố về chuyển đổi số nhằm triển khai hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy.
Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước đã ban hành Nghị quyết quy định về mức phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (Mức thu bằng “không” áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ thực hiện các dịch vụ công theo hình thức trực tuyến (Nghị quyết số 07/2023/NQ-HĐND ngày 04/7/2023)). Đồng thời Chủ tịch UBND Thành phố đã ban hành Chỉ thị liên đến đẩy nhanh tiến độ triển khai dịch vụ công trực tuyến của Thành phố (Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 13/10/2023 về tăng cường trách nhiệm, tập trung xử lý các “điểm nghẽn trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp; tập trung lực lượng, nguồn lực triển khai có hiệu quả “Thi đua nước rút 60ngày, đêm”).
Để triển khai các nhiệm vụ của “Năm Dữ liệu số quốc gia”, Thành phố đã ban hành: Danh mục dữ liệu mở của Thành phố; bổ sung mã định danh điện tử của các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc UBND Thành phố (phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các HTTT/CSDL của Thành phố và với các HTTT/CSDL của các Bộ, ngành, Thành phố). Ngoài ra, đã ban hành các quy chế bảo đảm an toàn thông tin; quản lý, vận hành khai thác các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Thành phố.
Nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trên địa bàn Thành phố, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi điển hình tại các cơ quan nhà nước Thành phố.
3. Về phát triển hạ tầng số
Hạ tầng số của Hà Nội đã được triển khai đồng bộ tới cơ quan nhà nước của cả 3 cấp Thành phố (UBND Thành phố, các Sở, ban, ngành, 30 UBND quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn) và tiếp tục duy trì bảo đảm phục vụ hoạt động chỉ đạo điều hành của Thành phố và hoạt động công vụ, hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp
4. Về phát triển dữ liệu số
Các HTTT, CSDL trong các ngành, lĩnh vực: giao thông - vận tải, xây dựng, nông nghiệp, đầu tư, tài chính, ... được thành phố giao các Sở, ngành triển khai theo hướng tập trung, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ, khai thác thông tin theo quy định.
Theo Quyết định số 3478/QĐ-UBND ngày 04/7/2023 của UBND Thành phố, trong đó năm 2023, có 13 Sở, ngành thuộc Thành phố đăng ký mở dữ liệu; đến
nay đã có 07 Sở đã tiến hành mở dữ liệu bằng nhiều hình thức (website, kiosk và cung cấp API kết nối, chia sẻ dữ liệu).
5. Phát triển các ứng dụng dịch vụ
a) Phục vụ người dân và doanh nghiệp
Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tiếp tục duy trì, vận hành khai thác Trang/Cổng thông tin điện tử phục vụ yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định. Sau khi có hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thành phố sẽ tổ chức triển khai trang/cổng TTĐT của các CQNN Thành phố bảo đảm theo quy định, đáp ứng yêu cầu.
Về triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính: Hệ thống thông tin giải quyết TTHC đã được xây dựng và đưa vào vận hành thử tại các đơn vị trực thuộc Thành phố từ ngày 11/4/2023. Hệ thống đã đáp ứng đầy đủ các chức năng, tính năng theo quy định, đặc biệt là các yêu cầu mới về xác thực định danh điện tử cho công dân và doanh nghiệp, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo chỉ đạo của Thành phố.
Đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử, khai thuế điện tử đối với doanh nghiệp: Việc khai thuế điện tử đã được áp dụng phổ biến với tỷ lệ 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; trên 99,1% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử. Hóa đơn điện tử: đã có 99,5% tổ chức, doanh nghiệp; 100% hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử.
Đã triển khai đồng bộ chữ ký số trên các hệ thống (Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Hệ thống thông tin báo cáo) phục vụ xử lý công việc trên môi trường mạng và dịch vụ công trực tuyến, với 13.285 chữ ký số đã được Ban Cơ yếu Chính phủ cấp cho cán bộ, công chức thuộc Thành phố; hơn 41 nghìn chữ ký số miễn phí đã được các doanh nghiệp cấp cho công dân Hà Nội để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch điện tử.
Tổ chức duy trì, vận hành kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân về quy định hành chính thông qua ứng dụng zalo nhằm góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước (SIPAS).
b) Phục vụ hoạt động điều hành nội bộ
- Thành phố đã thực hiện kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc Thành phố với các Bộ, ngành theo quy định. 100% cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan của Thành phố được cấp, khai thác, sử dụng hộp thư điện tử công vụ trao đổi thông tin trong công việc.
Thành phố Hà Nội đã triển khai và đưa vào vận hành các hệ thống thông tin quan trọng, cốt lõi của Thành phố nhằm cung cấp số liệu, thông tin phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Thành phố đến 03 cấp trực thuộc Thành phố đảm bảo theo hướng đồng bộ, tập trung, thống nhất, liên thông, tích hợp với các hệ thống của Trung ương nhu:
+ Hệ thống quản lý cuộc họp của Ban Cán sự đảng Thành phố, UBND Thành phố: Đã khởi tạo và cung cấp 675 tài khoản cho các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã khai thác sử dụng ứng dụng; phát hành 1.165 giấy mời họp; lưu trữ 2.954 tệp tài liệu họp điện tử.
+ Hệ thống quản lý văn bản và điều hành Thành phố: đã triển khai tới 3.131 cơ quan, đơn vị và cấp 40.133 tài khoản cho các cơ quan, đơn vị tham gia khai thác, sử dụng. Từ ngày 01/01/2023, toàn Thành phố đã thực hiện cập nhật 10.168.190 văn bản lên Hệ thống; tổ chức trao đổi nội bộ trong Thành phố đạt 2.125.365 văn bản; gửi 13.959 văn bản tới các cơ quan Trung ương qua Trục liên thông văn bản quốc gia.
+ Hệ thống thông tin báo cáo Thành phố: đã triển khai tới 633 cơ quan, đơn vị và cấp 3.868 tài khoản cho đại diện các cơ quan, đơn vị phục vụ nhu cầu khai thác sử dụng và thực hiện các chế độ báo cáo. Hình thành 02 kho dữ liệu, chia sẻ dùng chung, gồm: Kho biểu mẫu với 134 biểu mẫu; Kho chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội với 2.136 chỉ tiêu.
6. Phát triển kinh tế số và xã hội số
Các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tổ chức thực hiện về phát triển kinh tế số và xã hội số đã được UBND Thành phố chỉ đạo tại Kế hoạch số 239/KH- UBND ngày 27/9/2023 về CHUYỂN ĐỔI SỐ, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, một số chỉ tiêu giai đoạn 2021- 2025 đã hoàn thành, gồm:
+100 xã, phường, thị trấn đã có hạ tầng cáp quang.
+ Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang đến hộ gia đình đạt tỷ lệ 93,15%.
+ Số thuê bao di động là băng rộng đạt tỷ lệ 121%.
+ Số thuê bao băng rộng cố định trên 100 dân đạt tỷ lệ 27,3%.
+ Tỷ lệ hộ gia đình có sử dụng ít nhất 01 điện thoại thông minh đạt 122,7%. + Tỷ lệ thuê bao di động sử dụng Smartphone trên tổng số thuê bao điện thoại đi động đạt: 81,7%.
- Thành phố tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế số và xã hội số trên hệ thống báo chí của Thành phố và Trung ương, từng bước nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Tổ chức đào tạo cho các công chức (phòng Kế hoạch - Tài chính, phòng Tài chính - Kế hoạch) của các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã về CHUYỂN ĐỔI SỐ nói chung và kinh tế số, xã hội số nói riêng. Ngày 18/10/2023, Thành phố tổ chức Hội thảo “An toàn thông tin cho Doanh nghiệp trong kỷ nguyên CHUYỂN ĐỔI SỐ”. Hội thảo được tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao sự hiểu biết về an toàn thông tin, nhận thức rõ tầm quan trọng của an toàn thông tin, những cơ hội và thách thức của việc đảm bảo an toàn thông tin cho doanh nghiệp trong quá trình CHUYỂN ĐỔI SỐ, đồng thời tạo điều kiện kết nối, trao đổi kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực về an toàn thông tin.
Thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố: Thành phố đã tổ chức sự kiện “Phát động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm”. Đây là một trong những hoạt động tiêu biểu trong chuỗi các hoạt động, sự kiện của Thành phố hưởng ứng Ngày CHUYỂN ĐỔI SỐ Quốc gia 10/10, “Tháng 10 - Tháng Tiêu dùng số” và là sự kiện mở đầu cho việc triển khai diện rộng thanh toán không dùng tiền mặt tại tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình CHUYỂN ĐỔI SỐ, phát triển kinh tế số của Thủ đô. Theo báo cáo của 10 ngân hàng, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tham gia sự kiện nêu trên, tính đến hết ngày 08/10/2023, sau 02 ngày (07/10 và 08/10) triển khai gian
hàng giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, các đơn vị đã tư vấn cho 6.185 khách và mở tài khoản cho 4.534 khách thăm quan gian hàng. Đồng thời, hướng dẫn hệ thống truyền thanh cơ sở, các cơ quan báo chí của Hà Nội và đề nghị các cơ quan báo chí Trung ương phối hợp tuyên truyền đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Thành phố; chỉ đạo các quận, huyện, thị xã chủ động nghiên cứu, đề xuất, triển khai, công nhận mô hình tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và nhân rộng trên toàn Thành phố trong thời gian tới. Đến nay nhiều quận, huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo và tích cực triển khai thực hiện với nhiều hình thức đổi mới, sáng tạo.
- Thành phố đang tổ chức tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, đề xuất phát triển Vườn ươm Doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo thành phố Hà Nội. Trong thời gian tới, bên cạnh tiếp nhận các dự án/ý tưởng khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo chung trong lĩnh vực CNTT được tuyển chọn một năm một lần, Vườn ươm sẽ tiến hành các đợt tuyển chọn theo các lĩnh vực chuyên sâu phù hợp với định hướng ưu tiên phát triển doanh nghiệp công nghệ số, công nghiệp ICT, ứng dụng CNTT trong phát triển kinh tế số, xây dựng thành phố thông minh, Chính quyền điện tử của Thành phố nhằm tập trung nguồn lực, hỗ trợ các dự án/ tưởng khởi nghiệp phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, đào tạo theo nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, liên kết với các tổ chức quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và quốc tế, cũng như các nhà đầu tư tư nhân, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp xúc trực tiếp đối với các dự án khởi nghiệp để có thể tìm hiểu và sẵn sàng đầu tư cho các dự án khởi nghiệp tiềm năng.
Song song với việc triển khai Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 27/9/2023, Thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục hướng dẫn các huyện theo chương trình xây dựng nông thôn mới về triển khai các mô hình thôn thông minh, xã thông minh trong đó tập trung các nội dung phát triển kinh tế số và xã hội số. Hướng dẫn người dân tại các xã sử dụng nền tảng học trực tuyến mở đại trà của Bộ Thông tin và Truyền thông (onetouch.mic.gov.vn) để học tập kỹ năng số.
7. Về bảo đảm an toàn thông tin mạng
Đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Quyết định số 2223/QĐ- UBND ngày 14/4/2023 về quy chế bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) mạng trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội và Công văn số 677/UBND-KGVX ngày 15/3/2023 về việc thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm ATTT mạng, an ninh thông tin cho thiết bị camera giám sát. Hướng dẫn, thông tin cảnh lỗ hổng bảo mật gây mất ATTT theo khuyến cáo của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, tăng cường công tác bảo đảm ATTT mạng và khắc phục sự cố cho các cơ quan, đơn vị thuộc Thành ủy, Thành phố (trong năm 2023, đã có 17 văn bản cảnh báo trong thời gian Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các ngày Lễ: Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 01/5, 02/9). Đã tổng hợp, đề nghị Cục An toàn thông tin gán nhãn tín nhiệm mạng cho 282 trang/cổng thông tin điện tử của các cơ quan thành phố Hà Nội (trong đó, năm 2023, đã hoàn thành gán nhãn tín nhiệm cho 187 trang thông tin điện tử).
Về phát triển nguồn nhân lực CHUYỂN ĐỔI SỐ
Thành phố tiếp tục tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về CHUYỂN ĐỔI SỐ cho công chức, viên chức theo kế hoạch của Thành phố (năm 2023 đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng 86 lớp với 4.496 học viên (tổ chức theo hình thức trực tuyến và tập trung))
Ngoài ra, Thành phố đã cử 10 công chức thuộc 10 Sở của Thành phố tham gia khóa bồi dưỡng, tập huấn về bảo đảm an toàn thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức; 02 công chức tham gia huấn luyện, đào tạo trên hệ thống thao trường mạng ảo Cyber Range năm 2023 do Bộ Tư lệnh 86 - Bộ Quốc phòng tổ chức./.
Viết bình luận