Làng La Khê hay làng La Ninh [1] là một làng nghề cổ thuộc phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội. Làng nổi tiếng với nghề dệt the lụa từ thế kỷ 17, và có tên trong tập "Tứ quý danh hương" (Mỗ - La - Canh - Cót), trong dân gian có câu truyền tụng: "The La, lụa Vạn, chồi Phùng"[1].
Lịch sử hình thành
Làng La Khê được hình thành từ thế kỷ thứ 5, ban đầu làng có tên La Ninh ("La" là lụa, "Ninh" là sự thịnh vượng, lâu bền). Sang thế kỷ 15, làng La Ninh đổi tên thành La Khê (tức là làng dệt lụa bên dòng sông nhỏ)[1]. Thuở ban đầu, sản phẩm dệt của làng vẫn còn thô sơ, chủ yếu là sồi, đũi, phục vụ cho nhu cầu của cư dân Thăng Long xưa. Ðến đầu thế kỷ 17, người Hoa ở vùng Lưỡng Quảng (Trung Quốc) di cư sang Việt Nam mang theo nghề dệt thủ công. Trong số đó, mười gia đình người Hoa đã đến lập nghiệp ở đất La Khê, đem nghề dệt the, sa nhuộm đen và công nghệ dệt tiên tiến dạy lại cho dân làng. Thời đó, hầu hết dân làng La Khê đều sống bằng nghề canh cửi. Các sản phẩm the, sa, vân, địa, quế, gấm vóc của La Khê với những họa tiết, hoa văn tinh xảo dần thay thế sồi, đũi nhờ chất lượng được nâng cao như mỏng, nhẹ hơn nhưng lại rất bền và đẹp, được các tầng lớp quý tộc ưa chuộng[1]. Cái khác biệt của làng lụa La Khê với làng lụa Vạn Phúc là: làng La Khê xưa chuyên nghề dệt sa màu và các thứ lụa bạch, lụa vân[2]; còn làng cổ Vạn phúc thì nổi tiếng với thứ lụa gấm lâu đời (tương truyền có từ thời Cao Biền)[3].
Đầu thế kỷ 19, làng La Khê cùng với các làng La Nội, Ỷ La, La Tinh, Yên Lộ, Nghĩa Lộ đều thuộc tổng La Nội huyện Từ Liêm phủ Quốc Oai trấn Sơn Tây. Tới năm 1831, La Khê (cùng cả tổng La Nội) được chuyển về thuộc huyện Từ Liêm phủ Hoài Đức tỉnh Hà Nội.
Năm 1823, triều đình nhà Nguyễn ra sắc lệnh lập La Khê thành một xưởng dệt cho kinh thành Huế, đồng thời cho cả làng được miễn đi lính để tập trung cho việc phát triển làng nghề[1]. Khoảng những năm 1840 thời vua Thiệu Trị, xưởng dệt làng La Khê gọi là Chức tạo cục, hàng năm phải sản xuất và cung cấp cho triều đình theo định mức 600 tấm sa màu[2]. Chợ Cầu Ðơ với một tháng sáu phiên là nơi người dân trong làng bán buôn, để từ đó thứ sản phẩm cao cấp này đi khắp đất nước.
Tục truyền rằng: đến đời vua Minh Mạng (1820-1841), có viên cai đội mãn hạn lính nhà Nguyễn, tên là Trần Quý, tìm thấy được mảnh gấm nước ngoài dệt tinh xảo, liền mày mò nghiên cứu xem xét, tìm ra được bí mật trong cách dệt gấm vóc của nước ngoài, bèn cùng một số thợ bạn trong làng bàn cách cải tiến việc dệt gấm vóc và cuối cùng nhóm thợ làng La Khê này đã dệt được một tấm gấm tinh xảo không kém tấm gấm mẫu. Từ đó, làng La Khê có thêm nghề dệt gấm, Trần Quý thành ông tổ dệt gấm của làng[4].
Nghề dệt the ở La Khê phát triển mạnh, không những cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang châu Âu. Đầu thế kỷ 20, các nghệ nhân làng nghề còn được phong cửu phẩm, bá hộ, thêm vào đó the làng La còn được mang triển lãm ở thành phố Paris[1].
Sau năm 1954, nghề dệt the tạm lắng, cả làng La Khê quay sang dệt vải bông, khăn mặt, thảm đay theo kinh tế tập trung, phục vụ sinh hoạt trong thời chiến tranh Việt Nam[1].
Năm 2002, Làng nghề được khôi phục, nhiều nghệ nhân mày mò để giữ một nghề truyền thống của các bậc tiền nhân[1].
Các tiến sĩ nho học của làng La Khê[5][6]:
- Nguyễn Duy Nghi, tức Nguyễn Duy Trung (阮惟忠), đệ tam giáp đồng tiến sĩ năm Bính Tuất (1766), triều nhà Lê-Trịnh.
- Ngô Duy Viên (吳維垣), đệ tam giáp đồng tiến sĩ năm Kỷ Sửu (1769), triều nhà Lê-Trịnh.
- Ngô Duy Trưng (吳惟澂), em Ngô Duy Viên, đệ tam giáp đồng tiến sĩ năm Ất Mùi (1775), triều nhà Lê-Trịnh.
- Lê Đăng Cử (黎登舉), đệ tam giáp đồng tiến sĩ năm Kỷ Hợi (1779), triều nhà Lê-Trịnh.
Viết bình luận