KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC TÍNH DÂN CHỦ CỦA BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI Ở VIỆT NAM
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 càng đến gần thì trên mạng xã hội càng xuất hiện nhiều thông tin/bài viết của các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị trong nước hùa theo các thế lực thù địch, phản động ở nước ngoài nhằm xuyên tạc sự thật, phủ nhận tính dân chủ của sự kiện trọng đại này.
Thực tế trải qua 14 kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và sắp tới là kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở Việt Nam, có thể khẳng định một số vấn đề cơ bản sau:
Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất/cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân
Trước khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ở Việt Nam, người dân không có quyền công dân. Ngay cả quyền tối thiểu nhất của một con người là quyền được sống cũng bị chà đạp chứ đừng nói đến quyền tự do, mưu cầu hạnh phúc và những quyền con người cơ bản khác.
Đáp ứng yêu cầu của lịch sử dân tộc và thời đại, đáp ứng khát vọng của các tầng lớp nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, với đường lối chính trị đúng đắn, phương pháp cách mạng phù hợp đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam kiên trì đấu tranh cách mạng và giành thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Cách mạng thành công, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, kiên định con đường gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội từ trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên năm 1930, mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã được khẳng định xuyên suốt và nhất quán trong văn kiện các kỳ Đại hội của Đảng.
Trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân, bảo đảm sự thống nhất giữa bản chất giai cấp công nhân với tính nhân dân và tính dân tộc; đảm bảo quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; hoạt động trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
Đó là nhà nước tôn trọng, thực hiện và bảo vệ quyền con người, vì hạnh phúc của con người; đồng thời, bảo đảm sự giám sát của nhân dân, sự phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Đó cũng là nhà nước mà trong đó, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và bầu cử đại biểu Quốc hội chính là sự khẳng định tính dân chủ, tiến bộ của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng so với chế độ phong kiến, hoặc dưới thời thực dân Pháp và phát xít Nhật thống trị.
Ở Việt Nam, bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là một sự kiện trọng đại, là một ngày hội của toàn dân; là ngày mà mỗi người dân Việt Nam/mỗi công dân Việt Nam được thụ hưởng giá trị của độc lập, tự do, được “hưởng dụng quyền dân chủ của mình” và “sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước”[1] trên tinh thần “những ai muốn làm quan cách mạng thì không nên bầu… không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ ấy”[2] như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định ngày 05/01/1946 - trước một ngày toàn dân tham gia bầu cử Quốc hội khóa I.
Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và tung tin sai sự thật về tính dân chủ của cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV
Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I ngày 06/01/1946 theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín thành công cho thấy, để có được quyền tự do, dân chủ cho mỗi người dân, dân tộc Việt Nam/nhân dân Việt Nam đã phải đánh đổi bằng bao xương máu; đồng thời, khẳng định rõ trên thực tế bầu cử Quốc hội là một trong những hoạt động rõ nét nhất để thực hành dân chủ ở nước Việt Nam độc lập dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ở Việt Nam, các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân luôn được tổ chức công khai, minh bạch, đúng Hiến pháp, pháp luật; trong đó, mọi người dân đều được thực hiện quyền công dân, được tự do tham gia bầu cử, bình đẳng trong sử dụng phiếu bầu. Ðây là một trong các quyền cơ bản về chính trị của công dân, được ghi rõ trong: Điều 1/Nguyên tắc bầu cử; Điều 2/Tuổi bầu cử và tuổi ứng cử; Điều 3/Tiêu chuẩn của người ứng cử và Điều 4/Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử cụ thể… của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.
Hơn nữa, bầu cử ở Việt Nam theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín chính là thể bản chất nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Các nguyên tắc đó không chỉ khẳng định sự tham gia bầu cử rộng rãi, công khai của mọi tầng lớp nhân dân; khẳng định mỗi người ứng cử đều có quyền hạn và nghĩa vụ pháp lý như nhau trong quá trình tự ứng cử, vận động bầu cử; khẳng định mỗi cử tri có một phiếu bầu đối với một cuộc bầu cử và giá trị phiếu bầu như nhau không phụ thuộc vào giới tính, địa vị xã hội, sắc tộc, tôn giáo… mà còn cho thấy mỗi cử tri đều được trực tiếp thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình qua lá phiếu/tự cầm lá phiếu của mình bỏ vào hòm phiếu; trực tiếp bầu ra đại biểu của mình không qua một cấp đại diện cử tri nào; loại trừ sự theo dõi và kiểm soát từ bên ngoài đối với cử tri…
Các nguyên tắc này và công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử sắp tới được thực thi nghiêm túc, nhằm đảm bảo tính khách quan, không thiên vị để mọi công dân đều có cơ hội ngang nhau khi tham gia bầu cử; được tự tay mình lựa chọn, quyết định, bầu những người có đức, có tài, có tâm, có tầm để phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Các nguyên tắc này là minh chứng sinh động phản bác lại các luận điệu xuyên tạc kiểu: “Đảng Cộng sản đang độc diễn trong bầu cử”, “Không thể có cuộc bầu cử dân chủ khi Đảng Cộng sản lãnh đạo cuộc bầu cử”, “Bầu cử chỉ là màn kịch dân chủ do Đảng đạo diễn, chỉ là hội nghị Đảng Cộng sản mở rộng”… nhằm bóp méo, bôi đen công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang xuất hiện với mật độ khá dày trên các website, các trang mạng xã hội do các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối, cơ hội chính trị điều hành.
“Tự ứng cử” rồi đến “tẩy chay bầu cử” chính là phá hoại tính dân chủ của cuộc bầu cử
Một trong những chiêu trò được các thế lực phản động tận dụng, các nhà dân chủ giả hiệu lợi dụng chính là hô hào “tự ứng cử”. Tưởng rằng núp dưới chiêu bài “nhà dân chủ”, “đấu tranh cho dân chủ” thì sẽ che được thiên hạ, sẽ được bầu và trở thành đại biểu Quốc hội, những “đối tượng hiên ngang tự ứng cử” này (Lê Dũng Vova, Lê Trọng Hùng, Nguyễn Đình Cống, Lê Chí Thành…) hy vọng hão rằng nếu trúng cử sẽ biến Quốc hội trở thành diễn đàn để thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, gây rối hoạt động của cơ quan dân cử nói riêng và của Nhà nước nói chung.
Tuy nhiên, khi hiệp thương bị loại vì không đủ điều kiện như Điều 2 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định, thì họ lu loa rằng Đảng Cộng sản cố tình cản trở người ngoài Đảng tự ứng cử vào đại biểu Quốc hội; chính quyền phân biệt đối xử với những người tự ứng cử; tổ chức bầu cử không dân chủ, thiếu minh bạch và đòi phải để cho các ứng cử viên tự do tranh cử dựa trên chữ ký của cử tri chứ không phải là trải qua hiệp thương…
Âm mưu thâm độc của những người này, của các thế lực phản động là thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay trong công tác bầu cử Quốc hội khóa XV và trong các cơ quan dân cử bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”. Vì thế, khi “tự ứng cử” không thành công thì quay ra thực hiện màn ăn vạ “kinh điển” bằng cách đòi phải thay đổi những quy định về đề cử, ứng cử, về lập danh sách ứng viên, về hiệp thương và sau đó là kêu gọi tẩy chay bầu cử với lý do “không biết không bầu”…
Khi rêu rao rằng, bầu cử đại biểu Quốc hội mà do Đảng Cộng sản lãnh đạo thì đó là “Đảng cử” nên không thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, vì thế, bầu cử không có nghĩa lý gì nên không cần đi bỏ phiếu; bầu cử tại Việt Nam không có tự do, dân chủ vì phải hiệp thương, trong khi đó, bầu cử Quốc hội khóa I không hiệp thương vẫn thành công, cho nên phải thay đổi chế độ bầu cử tại Việt Nam, phải bãi bỏ hiệp thương, vì hiệp thương chính là “Đảng cử, dân bầu”… những đối tượng này đã không hiểu/cố tình không hiểu những điều họ cho là khắt khe lại chính là nhằm thực hiện cho được sự dân chủ trong bầu cử và những đòi hỏi vô lý của họ chính là phủ nhận vài trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là phá hoại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026!
Vì thế, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần nhận diện đúng âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng, các thế lực thù địch; đồng thời, hiểu đúng, làm đúng Hiến pháp, pháp luật; đúng theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 là thiết thực góp phần làm cho ngày 23/5/2021 thực sự trở thành ngày hội dân chủ của toàn dân!

Viết bình luận