Cụm di tích Đình chùa Bia Bà La Khê

Cụm di tích Đình, Chùa, Bia Bà La Khê là một quần thể kiến trúc các công trình tín ngưỡng, tôn giáo nằm trong trung tâm dân cư làng La Khê xưa, nay là phường La Khê, quận Hà Đông. Đây là cách gọi tắt của các di tích Đình La Khê, Chùa Diên Khánh và Đền thờ đức thánh bà dân gian hay gọi tắt là Bia bà La Khê. Chùa La Khê (Diên Khánh tự, nghĩa là phúc lộc lâu dài) là một ngôi chùa cổ, được xây dựng từ thời Lý (khoảng thế kỷ thứ 11) khi Phật giáo hưng thịnh và được coi như quốc giáo. Chùa Diên Khánh là một điểm đến của các tín đồ Phật giáo và nhân dân trong vùng lễ Phật cầu an. Đây là một trong những ngôi chùa có kiến trúc và cảnh quan đẹp. Tương truyền, xa xưa, cảnh trí nơi đây là kỳ danh thắng địa, Hổ phục, Rồng chầu, cây cối xum xuê, nước xanh soi bóng. Các tài liệu về lịch sử di tích cho biết, chùa được trùng tu lớn vào năm Thiệu Trị thứ 5 (1845).

Đình La Khê được khởi dựng từ thế kỷ 17 và đến thế kỷ 18 được xây dựng quy mô là nơi thờ 2 vị thành hoàng làng La Khê là Hắc diện đại vương và Thiên Tiên Bảo Hoa công chúa, đây là 2 vị thiên thần (thần nhà trời) có công dẹp giặc loạn nhiễu nhương tại mảnh đất La Khê bảo hộ dân làng. Tương truyền rằng, xa xưa nhân dân trong vùng nghèo nàn cơ cực, giặc giã hoành hành. Một đêm trăng thu tỏa sáng, già làng nghiêm mộng thấy vị tướng quân cao lớn, vóc dáng oai phong, mặt đen, râu rậm, mắt sáng, mình mặc áo giáp vàng, tay mang thiên kích, ngài cho biết là Hắc diện đại vương vâng mệnh trời xuống giúp dân trừ họa. Vào một buổi khác, quân giặc đông như kiến cỏ tràn qua, nhân dân trong cơn hoảng loạn, bỗng thấy luồng gió mát, trên trời xuất hiện nàng tiên gương mặt dịu hiền, hào quang tỏa sáng, ung dung trên quầng mây trắng, tay phất nhành hoa gọi cuồng phong. Tức thì mây mù trời, cát bụi chim muông bay đầy mặt đất, lũ giặc giày xéo lên nhau bỏ chạy, trời đất trở lại hòa bình. Nàng tiên dạy rằng «Thiên tiên Bảo Hoa công chúa giúp muôn dân». Từ đó, dân làng nhớ ơn hai vị thiên thần nên lập miếu thờ coi như hai vị thành hoàng làng được thờ phụng đến tận bây giờ. Tương truyền, từ nhiều thế kỷ trước, tiếng đồn linh ứng đã lan tỏa khắp bốn phương. Từ vương tước đến thần dân đều tìm về chiêm bái. Các triều vua Lý, Trần, Lê đi dẹp giặc hoặc khi có nạn hạn hán, bệnh dịch... đều sai các quan đại thần bộ Lễ về cầu nguyện và đều ứng nghiệm. Trải qua các triều đại phong kiến từ thời Lê đến thời Nguyễn triều đình đã ban 28 đạo sắc phong hai vị thành hoàng làng là «Thượng đẳng phúc thần». Ngoài ra Đình La Khê còn thờ 10 vị thánh sư người Trung Quốc khi di cư đến đây đã mang theo nghề dệt The truyền lại cho dân làng, từ đó danh hiệu The La Khê mới trở lên nổi tiếng khắp đất nước và sau này còn được biết đến ở thị trường quốc tế.

Đình La Khê và Chùa Diên Khánh, Chùa Phúc Khê được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia tại QĐ số 100VH/QĐ  21/1/1989, từ khi khởi dựng, cả Đình và Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng lần trùng tu lớn nhất gần đây là năm 2008, 2009; vào năm 2010 xây thêm các hạng mục phụ trợ là hệ thống 60 ki ốt bán hàng được quy hoạch gọn gàng, khoa học và thuận tiện bên ngoài di tích. Công tác tu bổ, tôn tạo cụm di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận nội dung trong đó diện tích các dãy nhà trong đình, chùa đều được giữ gìn nguyên trạng nhưng cốt nền và chiều cao cột đình, chùa đều được thỏa thuận nâng cao cho phù hợp với hạ tầng thoát nước đô thị và cảnh quan khu vực xung quanh. Hàng năm, Đình cũng là nơi dân làng La Khê tổ chức lễ hội, tưởng nhớ công đức của 2 vị thành hoàng làng và 10 vị tổ nghề dệt. Lễ hội diễn ra vào 3 ngày 14,15,16 tháng Giêng hàng năm. Thông thường chỉ tổ chức hội lệ, mở cửa Đình cho nhân dân địa phương và du khách thập phương đến dâng hương, vãn cảnh đầu năm. Vào những năm «hòa cốc phong đăng» (những năm mưa thuận, gió hòa, được mùa) hay như cách tổ chức hiện nay là vào các năm chẵn, thông thường 5 năm một lần, làng tổ chức hội lớn đại đám có rước thu hút hàng ngàn lượt người tham dự lễ hội. Vào các ngày tổ chức lễ hội ngoài lễ tế thành hoàng, nhân dân địa phương thường tổ chức các hình thức vui chơi giải trí phong phú như: Đêm văn nghệ quần chúng do cán bộ và nhân dân địa phương tự tổ chức; đi thuyền hát quan họ tại ao đình do các liền anh liền chị quan họ Bắc Ninh biểu diễn; các giải thể thao như cầu lông, bóng đá, cờ tướng; hội thi chim, chọi gà; trưng bày sinh vật cảnh như chim chóc, hoa lan... Công tác tổ chức lễ hội và quản lý di tích được làm tương đối tốt, bài bản cùng với sự linh thiêng của cụm di tích là lý do thu hút đông đảo du khách đến tham quan, hành hương và lễ lạt cầu may; lượng khách năm sau thường đông hơn năm trước; số lượng tiền giọt dầu và công đức của nhân dân đóng góp cho cụm di tích cũng tăng lên đáng kể. Doanh thu từ các dịch vụ phụ trợ như trông giữ xe, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ăn uống cũng thu lợi không nhỏ.

Cụm di tích còn có đền thờ đức thánh Bà nổi tiếng linh thiêng. Bà là người làng La Khê, con gái vị đại thần triều Lê - cụ Dũng quận công Trần Trân tên là Trần Thị Hiền. Bà là người phụ nữ xinh đẹp, hiền thục, khéo léo và đức hạnh được vua Mạc Đăng Doanh phong là «Đệ nhị cung phi». Sinh thời bà là người hiền đức, luôn hết lòng phò vua giúp nước nhưng lại mất khi tuổi tròn 27 tại quê nhà. Những năm sinh sống ở quê hương bà cũng có nhiều đóng góp cho dân làng địa phương, khi mất bà đã trao lại toàn bộ ruộng đồng, tài sản cho dân. Tưởng nhớ công đức của bà Vua Mạc đã cho khắc vào bia đá, đặt tại mộ bà ở cánh đồng «Hoàng Hậu» tên nôm gọi là Cánh đồng Vang. Xưa kia mộ bà chỉ đặt tấm bia đá ở giữa đồng, sau có mái tôn lợp sơ sài lấy chỗ nhân dân cúng bái. Nay, bia đá đã được đưa về phía trái sân Đình La Khê và xây dựng thành ngôi miếu nguy nga hài hòa với tổng thể kiến trúc và cảnh quan của cụm di tích. Năm 2014, Tòa án nhân dân tối cao đã xin thỏa thuận của các ngành có liên quan để đặt Bia ghi dấu địa điểm xét xử đầu tiên của tòa án nhân dân tại Bắc Bộ tại một góc sân đình La Khê do đây là địa điểm diễn ra phiên xét xử đầu tiên của tòa án nhân dân tại Bắc Bộ. Trải qua 9 tháng xây dựng, bia ghi dấu địa điểm xét xử đầu tiên của tòa án nhân dân tại Bắc Bộ đã hoàn thành với diện tích 4mx4m lòng nhà bia, cột và vì kèo mái bằng gỗ, trên mái lợp ngói ri, 4 mái cong rất hài hòa với cảnh quan cụm di tích. Trải qua chiến tranh, chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa mới được thành lập ngày 2/9/1945 còn non trẻ lại phải chống đỡ với thù trong giặc ngoài do đó để bảo đảm chính quyền yêu cầu cấp bách đặt ra là phải có cơ quan xét xử, trừng trị bọn phản cách mạng. Ngày 13/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 33C/SL thành lập các Tòa án quân sự. Ngày 23/8/1946, Chính phủ ra Sắc lệnh số 163 thành lập Tòa án binh lâm thời; ở khu vực có chiến sự thành lập các Toà án binh tại mặt trận. Đây là tiền thân của hệ thống Tòa án nhân dân và Tòa án quận sự bây giờ. Trải qua gần 70 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ngành tòa án đã phát huy được vai trò của mình trong việc thực thi và bảo vệ pháp luật. Việc đặt Bia ghi dấu địa điểm xét xử đầu tiên của tòa án nhân dân tại Bắc Bộ tại cụm di tích Đình, Chùa, Bia Bà La Khê là nơi để cán bộ ngành tòa án ôn lại lịch sử trong các ngày lễ trọng đại đồng thời cũng làm gia tăng sức hấp dẫn của điểm du lịch văn hóa, tín ngưỡng nơi này.

Về cơ cấu bộ máy của ban quản lý cụm di tích Đình, Chùa, Bia Bà La Khê bao gồm 1 trưởng ban là đại diện cho chính quyền phường là người gốc La Khê; 01 phó ban thường trực là người có uy tín và sức khỏe do các cụ cao tuổi trong làng cử ra trực tiếp trông coi và điều hành mọi vấn đề tại cụm di tích. Các ủy viên gồm có đại diện lãnh đạo ban đảng, chính quyền, đoàn thể phường và các cụ người cao tuổi trong làng là cụm dân cư gốc của làng La Khê hiện là các tổ dân phố 1,2,3,4,5, phường La Khê. Ngoài ra Ban quản lý di tích Đình, Chùa, Bia Bà La Khê còn có một kế toán và một thủ quỹ riêng. Hàng ngày có khoảng 20 người chia làm 2 ca trông nom và bảo vệ di tích. Do cụm di tích có nguồn thu từ công đức của nhân dân nên các thành viên Ban quản lý di tích đều được trả tiền hỗ trợ hàng tháng; những người được huy động để phục vụ thêm trong những dịp cao điểm như Lễ hội, Ngày rằm, Mồng Một hàng tháng và ngày Giỗ Đức thánh Bà cũng được trả một phần kinh phí hỗ trợ.  Ngoài ra tại di tích cũng có gắn hệ thống camera để giám sát và bảo vệ các di vật, đồ thờ. Hệ thống khu vực để xe được thiết kế bên ngoài di tích, có mái che và do hợp tác xã La Khê quản lý, khai thác.

Viết bình luận

Xem thêm tin tức